Luca Lampariello, 35 tuổi, có thể nói thông thạo 11 thứ tiếng là một điều kỳ diệu hiếm ai có thể đạt được trong độ tuổi ấy. Chúng ta thường mất rất nhiều thời gian để học một ngoại ngữ, chưa kể 2 – 3 ngoại ngữ tiếp theo sẽ mất thời gian hơn, và ta có thể sẽ dễ nhầm lẫn về ngữ pháp giữa các ngôn ngữ với nhau.
Hãy cùng Dịch thuật Persotrans xem người đàn ông này đã làm thế nào để có thể đạt được một việc phi thường đến vậy nhé!
Tên tôi là Luca Lampariello. Sau đây, tôi sẽ chia sẻ cho các bạn cách mà tôi đã học 11 thứ tiếng và lý do tại sao tôi lại học những ngôn ngữ này. Chắc hẳn bạn đều biết rằng động lực học là yếu tố cơ bản nhưng vấn đề là làm thế nào để tạo ra động lực và biến nó thành bệ đỡ tinh thần trong việc học phải không?
Học ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở việc nhồi vào đầu hàng đống kiến thức và dành hàng giờ nghiên cứu. Nó còn là chuyến du hành tới rất nhiều địa điểm tuyệt đẹp, gặp gỡ những con người truyền tuyệt vời, thưởng thức những món ăn ngon và dấn thân vào vô số cuộc phiêu lưu mà bản thân tôi là người phải tự khám phá. Những trải nghiệm này chính là động lực của tôi, là thứ biến việc gần như không thể đối với tôi trở thành điều có thể.
Nội Dung Chính
Tiếng Anh
Tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu đúng vào năm tôi 10 tuổi (1991). Việc học lúc đó là bắt buộc. Ngay từ đầu, tôi gặp rất nhiều trở ngại. Tôi không thích giáo viên, các bài học về ngữ pháp khiến tôi hay bị nhầm và tài liệu học cũng chẳng có gì mới mẻ. Tôi đã nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ mình học nổi thứ tiếng này.
Sau đó, bố mẹ tôi quyết định thuê riêng gia sư về dạy cho tôi. Lúc đó, tôi 13 tuổi và cô giáo là một người vô cùng tuyệt vời. Tôi không chỉ được hướng dẫn tận tình mà còn được khám phá ra nhiều điều thú vị về ngôn ngữ. Cô đã tạo nên một lộ trình đúng đắn để giúp tôi chinh phục tiếng Anh và điều quan trọng nhất là, cô dạy cho tôi cách để yêu nó.
Từ đó, tôi bắt đầu đọc nhiều sách bằng tiếng Anh, đồng thời sự kết hợp giữa đọc sách, xem phim mỗi ngày và nói chuyện với gia sư một tuần một lần trong 2 năm liền càng khiến tôi tiến bộ rõ rệt. Đến năm 15 tuổi, tôi đã thành thạo tiếng Anh và sở hữu một giọng nói đúng “chất” Mỹ.
Bài học rút ra: Ngôn ngữ không thể được dạy, chúng chỉ có thể được học. Có người luôn hỗ trợ bạn trong quá trình học là một lợi thế tuyệt vời. Hãy tìm một người dẫn đường, tạo cảm hứng cho mình thay vì một thầy giáo khuôn phép.
Tiếng Pháp
Tôi bắt đầu học tiếng Pháp gần như cùng lúc với thời gian học tiếng Anh và cũng đối mặt với những khó khăn tương tự. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ đã thay đổi. Khi lên 14 tuổi, tôi nhận thấy rằng mình có thể xem TV bằng tiếng Pháp. Từ đó, tôi dành 2 giờ mỗi ngày sau bữa tối để xem truyền hình. Năm 15 tuổi, tôi nói tiếng Pháp thành thạo.
Dành một vài giờ mỗi ngày để xem TV đã giúp tôi cải thiện mình hơn rất nhiều so với 3 năm trung học trước đó chỉ cặm cụi với bài vở. Năm 2010, tôi đến Paris và 3 năm sống ở đó đã giúp tôi giành được những cảm nhận sâu sắc không gì có thể sánh được về văn hóa Pháp: lịch sử, truyền thống, các tục ngữ, phong tục, chuẩn mực và niềm tự hào của người Pháp đối với ẩm thực và ngôn ngữ của họ.
Bài học rút ra: Ngôn ngữ là cánh cửa dẫn tới thế giới rất đáng để khám phá. Thế nên, hãy cởi mở và học cách yêu nó. Với thứ tiếng đó, với đất nước đó, với con người đó hay thậm chí là cả ẩm thực; không có kiểu động lực nào có thể lớn hơn chúng.
Tiếng Đức
Tiếng Đức là ngoại ngữ đầu tiên mà tôi tự học hoàn toàn. Tôi không nhớ chính xác tại sao tôi lại có hứng thú với thứ tiếng này. Nhưng tôi nhớ chính xác là lúc đó, tôi chẳng biết tí gì về cách học tiếng Đức cả. Tôi dành vài tháng sử dụng cuốn sách ngữ pháp đầy bụi bặm mà tôi lục lọi từ tủ sách của bà nội.
Thế nhưng, những chữ cái Gothic lấp đầy từ đầu trang đến cuối trang buộc tôi phải học đi học lại ngữ pháp nhiều lần mà chẳng thấy ích gì. Chẳng mấy chốc, tôi cảm thấy nhàm chán.
Sau đó, tôi xem một chương trình quảng cáo trên TV về một series dạy ngoại ngữ gồm 4 thứ tiếng và quyết định cố gắng một lần nữa. Trong khi áp dụng nó, tôi đã nghĩ ra một phương pháp cho mình: một kỹ thuật đặc biệt (nghe, lặp lại, viết và dịch) giúp tôi tiếp cận với các kiến thức cơ bản của mọi ngôn ngữ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, thú vị và tôi thấy nó hiệu quả.
Sau khi sử dụng phương pháp này trong khoảng 1,5 năm, tôi đã gặp rất nhiều người Đức trong kỳ nghỉ. Tôi luôn nhớ khuôn mặt họ khi họ bối rối hỏi tôi: “Wie kannst du so gut Deutsch?” (Làm thế nào bạn nói tiếng Đức tốt vậy?) Phản ứng này của họ cộng với việc nói chuyện được với nhiều người cũng đủ để tiếp thêm “nhiên liệu” cho niềm đam mê hoàn thiện khả năng nói tiếng Đức của tôi. Từ khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu đọc sách một cách ngấu nghiến. Ngôn ngữ đã trở thành phần không thể thiếu với cuộc đời tôi.
Bài học rút ra: Nếu tìm thấy một phương pháp bạn thích và phù hợp với bạn, hãy bắt đầu tự học bất kỳ ngôn ngữ nào bạn muốn ngay lập tức. Không hề có một phương pháp tốt nhất nào để học ngoại ngữ cả. Hãy tìm thứ gì đó hiệu quả với bạn và trên hết, hãy thử nghiệm!
Tiếng Tây Ban Nha
Tây Ban Nha và Ý giống như hai chị em vậy, vừa giống vừa khác. Một quan niệm sai lầm rất phổ biến ở Ý đó là tiếng Tây Ban Nha rất dễ, bạn chỉ phải thêm “s” vào cuối mỗi từ. Tuy cấu trúc tổng thể của hai ngôn ngữ này là giống nhau nhưng vẫn có một vài sự khác biệt rõ nét về cách phát âm, giọng điệu và cách sử dụng thành ngữ.
Năm 2007, tôi tham gia một chương trình trao đổi sinh viên ở Barcelona. Mặc dù bị choáng ngợp bởi một môi trường mà người Catalan chiếm phần đông nhưng tôi có may mắn được ở cùng một với một cô gái Tây Ban Nha năng động đến từ Malaga và có nhiều bạn Tây Ban Nha từ các vùng khác. Chúng tôi đã trao đổi ngôn ngữ cho nhau và khi trở về Rome thì tôi đã thành thạo thứ tiếng này.
Bài học rút ra: Học ngoại ngữ sẽ giúp bạn có thêm những cảm nhận sâu sắc về tiếng mẹ đẻ của bạn. Nếu học một ngôn ngữ thứ hai tương tự với tiếng mẹ đẻ, hãy học nói ngay từ đầu. Sẽ dễ dàng hơn nhiều so với điều bạn tưởng tượng.
Tiếng Hà Lan
Tôi đã gặp Lotte – cô gái người Hà Lan trong một buổi cắm trại ở Phía Bắc Sardinia. Cô ấy nói tiếng Anh không sõi nên cả hai chúng tôi bắt đầu cảm thấy bối rối khi không thể giao tiếp với nhau. Dù vẫn có những buổi trò chuyện vui vẻ nhưng thi thoảng vẫn gặp rắc rối. Chính điều này đã thôi thúc tôi học tiếng Hà Lan ngay sau đó.
Nhiều người cho rằng tiếng Hà Lan dường như chẳng có ích gì cả – ai cũng nói tiếng Anh – và điều này khiến tôi thấy bế tắc. Tôi đọc sách và tạp chí mà bạn bè tôi đã mang về từ Hà Lan. Bạn cùng phòng của tôi sau này là một người Hà Lan và nhờ đã chăm chỉ học từ trước nên chúng tôi giao tiếp với nhau rất dễ dàng. Rõ ràng, quan niệm cứ phải đến một nước để học ngoại ngữ đơn giản không phải là sự thật.
Bài học rút ra: Ngôn ngữ không được sử dụng thì chẳng có ích gì cả. Sớm muộn gì bạn cũng phải học nên tốt hơn hết là đừng để ai khác xác định thứ bạn muốn học. Hãy tự tìm đường cho mình bằng sự hứng thú và niềm tin của bạn.
Tiếng Thụy Điển
Tôi đã có ý định học một ngôn ngữ của vùng Scandinavia từ rất lâu. Tiếng Thụy Điển nghe như tiếng nhạc du dương bên tai vì có ngữ điệu rất đặc biệt. Tuy nhiên, để bắt đầu học thực sự khá khó. Vào năm 2014, tôi đến Stockholm lần đầu tiên và ngay lập tức bị cuốn hút bởi văn hóa Thụy Điển. Tôi học nói, đa phần với người Na Uy, xem phim, đọc sách – phần lớn là những bộ phim giật gân vì người Scandinavia rất giỏi về thể loại đó.
Và điều tuyệt vời nhất là gì bạn có biết không? Nếu bạn biết tiếng Thụy Điển, hầu hết người Scandinavia sẽ hiểu bạn và ngay lập tức, bạn có thể khám phá nền văn hóa tuyệt vời cũng như cách tư duy của người dân trên bán đảo này.
Bài học rút ra: Hãy bắt đầu học phát âm ngay từ ban đầu để tránh phát triển những thói quen xấu. Hãy thật linh hoạt. Nếu ngôn ngữ có điểm gì đó đặc trưng riêng thì hãy tìm hiểu nó nhiều hơn ngay từ khi bắt đầu.
Tiếng Nga
Sau khi nắm được kha khá tiếng Đức, tôi muốn học thứ gì đó mới. Tiếng Nga dường như khá xa lạ: phong phú, thanh lịch nhưng cũng đầy sự phức tạp. Nghĩ về tiếng Nga cũng giống như giải một câu đố hóc búa về toán học cho từng câu nói và tôi tự hỏi làm thế nào mà người Nga có thể nói chúng mỗi ngày?
Tôi chẳng có ai giúp đỡ và sau 8 tháng, tôi bắt đầu nhận ra rằng có lẽ mình đã mắc sai lầm. Tôi không đạt được gì nhiều trong 3 năm dài đằng đẵng và sau đó, tôi đã đăng một video nói tiếng Nga lên YouTube. Điều bất ngờ là có nhiều người đã để lại bình luận rất nhiệt tình.
Người Nga nghĩ rằng ngôn ngữ của họ rất khó và không dễ tiếp cận nên khi nghe ai đó có thể nói được vài câu, họ cảm thấy vô cùng thú vị. Sau đó, tôi bắt đầu nói tiếng Nga như một hoạt động hàng ngày và dần dần cải thiện khả năng của mình bằng cách điều chỉnh cho đúng ngữ pháp.
Bài học rút ra: Nếu bạn có thể mất niềm tin vào một ngoại ngữ thì hãy chủ động tìm kiếm thứ gì đó có thể khiến bạn có đam mê trở lại với việc học. Hãy đến một nước khác, gặp gỡ ai đó, xem phim, làm video YouTube. Bất cứ thứ gì cũng được.
Tiếng Quan thoại
Tôi đã nghe mọi người nói rằng tiếng Trung Quốc cực khó và đó là lý do tại sao tôi chưa bao giờ có dự định học ngoại ngữ này. Tuy nhiên, nhìn lại những thành công bất ngờ qua một số video YouTube đầu tiên đã làm, tôi đã quyết định dấn thân vào một thử thách mới. Tôi bắt đầu tự học tiếng quan thoại và không có gì ngạc nhiên khi tôi phải đối mặt với rất nhiều rắc rối.
Nếu ai đó nói với tôi rằng tiếng Trung không thể tự học thì tôi có thể đảm bảo rằng điều này không hoàn toàn đúng. Phải thừa nhận rằng nó có những khía cạnh phức tạp nhất định, tuy nhiên, ở một vài mặt nó cũng có những điểm rất thú vị.
Nếu biết cách xử lý âm điệu và chữ đúng cách thì về lâu dài, tiếng Trung cũng không phải là một ngoại ngữ khó để theo đuổi. Một khi quyết tâm, việc bạn nói thành thạo là việc bạn có thể làm, nó chỉ trong tầm tay của bạn thôi! Lúc này, bạn có thể khám phá mọi thứ liên quan đến Trung Quốc bạn muốn.
Bài học rút ra: Đừng run sợ ngay cả khi ngôn ngữ đó được cho là rất khó học.
Tiếng Bồ Đào Nha
Tôi bắt đầu học tiếng Bồ Đào Nha (Bồ Đào Nha) cùng thời điểm học tiếng Quan Thoại. Tôi chưa bao giờ học hai ngoại ngữ cùng lúc nên tôi đã lập một lộ trình học tập cụ thể. Giống tiếng Tây Ban Nha, tôi học tiếng Bồ Đào Nha cũng rất tự nhiên.
Tôi tập trung vào phát âm và điều khó là các nguyên âm không có trọng âm hiếm khi được phát âm và các câu thì giống như một chuỗi gồm các phụ âm bị ngắt quãng. Tôi đã từng tự hỏi tạo sao mình không chọn tiếng Bồ Đào Nha (Brazil) vì dễ hơn rất nhiều nhưng sự thật là tôi thường không chọn ngôn ngữ, tôi để ngôn ngữ chọn tôi.
Bài học rút ra: Bạn có thể học hai ngôn ngữ đồng thời miễn là bạn có thể quản lý thời gian và năng lượng hiệu quả.
Tiếng Ba Lan
Tôi tới thăm Ba Lan năm 2012 là lần thứ 2 trong cuộc đời và tôi đã nhanh chóng bị cuốn vào tình yêu với đất nước này và con người nơi đây. Không sử dụng các công cụ dịch song ngữ, tôi học tiếng ngay từ lúc bắt đầu bằng cách thiết lập một quá trình trao đổi ngôn ngữ hàng tuần với Michal – một anh chàng bản địa mà tôi gặp vào mùa hè năm đó.
Nếu đang ở một nước khác, muốn học tiếng và bạn đã thành thạo một ngoại ngữ nào đó thì hãy áp dụng hình thức trao đổi này vì bạn sẽ có rất nhiều cái lợi. Sau một năm, tôi tương đối thành thạo tiếng Ba Lan và tôi đã tự làm một video trên YouTube với Michal.
Bài học rút ra: Du lịch là động lực học tập thực sự rất tuyệt vời. Hãy đi du lịch nhiều nhất bạn có thể, bất cứ khi nào vì nó sẽ mở ra những cánh cửa mới và thúc đẩy bạn tiếp tục khám phá ngôn ngữ.
Tiếng Nhật
Khi bắt đầu học tiếng Nhật, tôi vẫn chưa tưởng tượng được tại sao nó có thể khó đến như vậy. Thậm chí, tôi còn không thể đặt những câu đơn giản bởi vì cấu trúc trong tiếng Nhật phức tạp hơn bất kỳ ngôn ngữ nào mà tôi đã chinh phục được.
Ban đầu, tôi nghĩ rằng khó khăn này chắc chỉ tạm thời thôi và tôi có thể giải quyết bằng cách luyện nói nhiều hơn nhưng thực tế thì ngược lại. Tuy vậy, tôi vẫn tự tin rằng mình sẽ làm được. Tôi thay đổi phương pháp, kiên trì và cuối cùng tôi thành công với thứ tiếng thứ 11.
Bài học rút ra: Một vài ngôn ngữ có những điểm khác biệt hoàn toàn nên hãy linh hoạt và chuyển đổi phương pháp học tập của bạn thật phù hợp. Nếu kỹ thuật này không hiệu quả thì hãy thay đổi nó. Đừng từ bỏ. Đừng để bị đánh bại.
Luca cũng chia sẻ, khám phá một phương pháp học ngoại ngữ là một trong những điều tuyệt vời nhất đối với anh. Đó là một trải nghiệm khiến anh vô cùng phấn khích. Nếu ai đó hỏi Luca tại sao anh lại thích học ngoại ngữ đến vậy, anh luôn luôn trả lời rằng: “Tôi không sống để học ngoại ngữ, tôi học ngoại ngữ để sống tốt hơn mà thôi“.
Từ câu chuyện của Luca, chúng ta có thể thấy rằng, học ngoại ngữ không chỉ đơn giản là ngồi nhà nhồi nhét những cuốn ngữ pháp vào đầu hay tham gia các khoá học mà nó còn là cả một quá trình tiếp nhận văn hoá, đi ra ngoài và sống trong ngôn ngữ đó; học từ trải nghiệm của bản thân, từ những phương pháp tự mình đúc kết và đọc nhiều sách báo, xem phim, thực hành nó là cách tốt nhất để giúp chúng ta thích nghi nhanh với ngoại ngữ mình mong muốn.