Khi tiếng Anh ngày càng được phổ cập rộng rãi tại nhiều quốc gia, các bậc cha mẹ dần dần nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày nên đã quyết định dạy con em mình ngoại ngữ ngay từ khi còn nhỏ, chủ yếu dạy cho bé kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và đây chưa phải thời điểm dạy ngữ pháp hay phức tạp hơn là viết và dịch tài liệu tiếng Anh. Đây là một bước đi vô cùng đúng đắn, đặt nền móng cho khả năng phát triển cho con trong tương lai.

Nhưng làm thế nào để trẻ có thể học tiếng Anh một cách hiệu quả nhất?

Hãy để con học tiếng Anh ngay từ khi còn nhỏ

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, bộ não của trẻ nhỏ khi tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm thì trẻ sẽ dễ dàng giỏi ngoại ngữ hơn. Rất nhiều bậc phụ huynh có quan điểm là để trẻ học tốt tiếng Việt trước, sau đó mới tính đến chuyện học tiếng Anh. Tuy nhiên, điều này dẫn đến hệ quả mà nhiều người Việt Nam chúng ta đã mắc phải, đó là vấn đề chuyển ngữ thông qua tiếng Việt. Bên cạnh đó, nếu bố hoặc mẹ giao tiếp với trẻ bằng ngoại ngữ sẽ giúp trẻ nắm bắt và thông thạo cả 2 ngôn ngữ một cách dễ dàng.

Không nên tạo áp lực trong quá trình học tiếng Anh

Việc học “ép”, học cho “cha mẹ” hiện nay vẫn đang là vấn đề vô cùng nhức nhối không chỉ với môn ngoại ngữ mà còn đối với nhiều môn học khác. Cha mẹ thường hay bắt ép con đi theo con đường mà mình cho là tốt nhất, thúc ép con học những môn con không thích hay không có năng khiếu, đặc biệt là môn tiếng Anh. Lúc này, trẻ sẽ bị ám ảnh, sợ hãi khi mình không được điểm cao, không đạt được những gì mà cha mẹ mong muốn dẫn đến hiện tượng chán ghét. Đôi lúc, việc này còn dẫn đến hậu quả khi trẻ sẽ phát triển theo hướng tự ti, thiếu tự tin vào bản thân mình và không thể bứt phá thể hiện 100% khả năng của mình dù môi trường học có tốt đến đâu đi chăng nữa.

Cha mẹ cần là người đồng hành cùng con, là tấm gương để trẻ có thể nhìn vào và phấn đấu, hình thành một niềm yêu thích nhất định với tiếng Anh. Để khơi dậy được sự tò mò, muốn khám phá ngôn ngữ mới, quan trọng nhất là cha mẹ cần phải tạo được môi trường song ngữ, nơi mà dẫn dắt sự tò mò của trẻ đến với những miền kiến thức mới thông qua các sự vật sự việc hàng ngày, gần gữi với trẻ; qua đó tiếp thu và thẩm thấu chúng theo cách của riêng mình.

Học ngôn ngữ đi đôi với hành

Lại một lần nữa, một số bậc cha mẹ có ý kiến cho rằng việc học là phải nghiêm túc ngồi vào bàn, tập trung học rồi sau đó xong trẻ sẽ được vui chơi thoải mái. Đúng nhưng đối với lứa tuổi thiếu nhi, nhi đồng, đây lại là một phương pháp chưa thực sự phù hợp. Đây là độ tuổi ăn, ngủ, hiếu động, ham chơi hơn ham học nên áp dụng phương pháp học mà chơi, chơi mà học sẽ phát huy hiệu quả hơn bao giờ hết. Nghe một bài hát, xem một đoạn phim ngắn, kể một câu chuyện hay các trò chơi như xếp giấy origami, xây dựng, đố vui, v.v… lồng ghép một chút từ vựng tiếng Anh hay các câu giao tiếp thông dụng thì đó không đơn thuần chỉ là trò chơi mà sẽ là những bài học vô cùng bổ ích và nhớ lâu dành cho trẻ. Thêm vào đó là tăng sự tương tác và độ nhanh nhạy với ngoại ngữ, tạo tâm lý và không gian thoải mái nhất cho sự tiếp thu của trẻ.

Cha mẹ luôn mong muốn con mình phát triển tốt nhất, mang đến một tương lai sáng lạn cho trẻ, trong đó có việc học tiếng Anh; tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên gây áp lực mà hãy tạo không gian tự nhiên, thoải mái để trẻ có thể tự nhiên tìm hiểu, tiếp thu những điều mới mẻ xung quanh mình.

Dịch thuật Persotrans chúc bé yêu đam mê với môn tiếng Anh và luôn hợp tác cùng với Bố Mẹ.